Trader là gì? Các bước để trở thành một “Pro Trader”

Trader là một thuật ngữ để chỉ những người thực hiện các giao dịch mua, bán trên các thị trường tài chính và hưởng lợi nhuận từ các giao dịch này. Có phải bạn đang giao dịch trên thị trường ngoại hối? Bạn chính là một trader rồi đấy!

Vậy thì, bạn tham gia vào thị trường này được bao lâu rồi? Bạn đã thực sự hiểu rõ về công việc này chưa? Có bao giờ bạn nghĩ rằng công việc giao dịch này là một loại nghề nghiệp chưa? Và bạn đã biết phải làm gì để đạt được những thành công nhất định từ cái nghề trading này hay không?

Giới thiệu tổng quan về trader
Trader là gì?
Trader được dịch sang tiếng Việt là “người giao dịch” hay “nhà giao dịch”, là khái niệm để chỉ những người trực tiếp thực hiện các giao dịch mua – bán các loại tài sản tài chính trên thị trường, để hưởng lợi nhuận nhờ chênh lệch giá từ việc mua đi, bán lại những tài sản đó.

Tài sản mà trader giao dịch trên các thị trường tài chính có thể là cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, vàng, chỉ số, hàng hóa, tiền điện tử…

Trader có thể làm việc cho chính bản thân họ hoặc cho một cá nhân, tổ chức nào đó. Khi làm việc cho chính bản thân, trader sử dụng tiền của mình để thực hiện giao dịch, quản lý tiền, quản lý các giao dịch mà không bị ràng buộc, hưởng hoàn toàn lợi nhuận hoặc rủi ro từ kết quả giao dịch và chỉ chi trả phí hoa hồng cho nhà môi giới.

Còn khi làm việc cho cá nhân hoặc tổ chức, trader sử dụng tiền của người khác để thực hiện giao dịch, nhưng sẽ bị kiểm soát. Tất nhiên, trader sẽ không phải gánh chịu hoàn toàn thua lỗ và lợi nhuận cũng không hưởng hoàn toàn mà chỉ được chia sẻ một phần hoặc nhận “lương” cố định.

Trader được phân loại như thế nào?
Tất cả các ngành nghề đều được phân loại thì trader cũng vậy.

Ví dụ, bác sĩ thì có bác sĩ khoa nội, khoa ngoại, khoa thần kinh, khoa sản…; giáo viên thì có giáo viên tiểu học, giáo viên trung học…; ca sĩ thì có ca sĩ nhạc rock, ca sĩ nhạc ballad, ca sĩ nhạc bolero…

Trader cũng được phân loại thành nhiều kiểu trader khác nhau và phân loại theo nhiều cách khác nhau.

Phân loại trader theo thị trường giao dịch

Trader giao dịch trên thị trường ngoại hối thì gọi là forex trader
Trader giao dịch trên thị trường chứng khoán thì gọi là stock trader
Trader giao dịch trên thị trường tiền điện tử thì gọi là crypto trader
Trader giao dịch trên thị trường hàng hóa thì gọi là commodity trader
Trên mỗi loại thị trường, trader còn có thể được phân loại dựa vào tài sản giao dịch chủ yếu. Ví dụ, một trader chỉ giao dịch vàng trên thị trường forex có thể được gọi là gold trader, hoặc trader chỉ giao dịch các hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh thì gọi là futures trader….

Phân loại trader theo chủ thể quản lý

Trader làm việc cho chính bản thân
Trader làm việc cho cá nhân, tổ chức khác
Phân loại trader theo trường phái phân tích

Trader theo trường phái phân tích kỹ thuật: trader chỉ sử dụng các công cụ như chỉ báo, trendline, mô hình nến, mô hình giá… để phân tích xu hướng và ra quyết định giao dịch.
Tham khảo: Phân tích kỹ thuật là gì?

Trader theo trường phái phân tích cơ bản: chỉ sử dụng các tin tức, sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội để nhận định xu hướng thị trường và ra quyết định giao dịch.
Tham khảo: Phân tích cơ bản là gì?

Trader theo trường phái kết hợp: vừa sử dụng các công cụ kỹ thuật, vừa sử dụng tin tức, sự kiện để phân tích và ra quyết định giao dịch.
Phân loại theo hình thức giao dịch

Copy trader: các trader thực hiện giao dịch bằng cách sao chép lệnh của người khác và phải trả một khoản phí nhất định cho việc sao chép này.
Tham khảo: Copy trading là gì?

Auto trader: trader không trực tiếp giao dịch mà mọi giao dịch được thực hiện tự động thông qua các thuật toán, là các robot giao dịch tự động (EAs) hay tín hiệu giao dịch tự động (Forex signals). Khi thị trường thỏa mãn điều kiện của các thuật toán thì lệnh sẽ tự động được thực hiện hoặc kết thúc.
Handle trader: trader trực tiếp thực hiện giao dịch (mở, đóng lệnh) bằng tay mà không sử dụng bất kỳ chương trình, công cụ hỗ trợ tự động nào.
Phân loại theo thời gian nắm giữ vị thế

Đây là cách phân loại phổ biến nhất và cũng là cách phân loại hình thành nên 4 phong cách giao dịch trong forex.

Scalping trader: trader giao dịch lướt sóng, có thời gian nắm giữ vị thế ngắn, chỉ trong vòng vài giây đến vài phút và đóng lệnh trong ngày.
Day trader: trader giao dịch trong ngày, thời gian giữ lệnh từ vài phút đến vài tiếng và cũng không giữ lệnh qua đêm.
Swing trader: trader giao dịch trung hạn, có thời gian nắm giữ vị thế lâu hơn, từ vài ngày đến vài tuần và không bận tâm đến các biến động giá trong ngắn hạn.
Position trader: trader giao dịch vị thế hay dài hạn, thời gian giữ lệnh lâu nhất, từ vài tháng, có xu hướng đầu tư giá trị như các investor.
So sánh đặc điểm của 4 loại trader theo phong cách giao dịch

Công việc cụ thể của một trader là gì?
Nhìn chung thì các công việc diễn ra hằng ngày của một trader là như nhau, trader sẽ tiến hành phân tích xu hướng biến động giá của loại tài sản mà mình đã, đang và sẽ giao dịch, từ đó đưa ra các quyết định tham gia đối với một giao dịch mới, rời khỏi hoặc điều chỉnh đối với một giao dịch đang mở.

Nói chung, hằng ngày, các trader sẽ thực hiện các giao dịch mua, bán tài sản bằng việc mở, đóng lệnh trên các phần mềm giao dịch.

Tuy nhiên, phụ thuộc vào loại tài sản giao dịch mà công việc cụ thể của các trader sẽ khác nhau.

Forex trader

Một forex trader thường sẽ giao dịch các loại tài sản phổ biến như các cặp tỷ giá, chỉ số, vàng…

Công việc của họ chính là lựa chọn được cặp tỷ giá, chỉ số có nhiều lợi thế để giao dịch. Sau khi chọn xong, bắt đầu phân tích về xu hướng biến động của chúng bằng việc sử dụng công cụ kỹ thuật, theo dõi các tin tức liên quan: ví dụ như công bố của các ngân hàng trung ương sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, chính sách lãi suất… Khi phát hiện tín hiệu giao dịch tiềm năng thì các forex trader sẽ đặt lệnh giao dịch, theo dõi lệnh, đóng lệnh hoặc chỉnh sửa nếu có tín hiệu giá đảo chiều hoặc có biến động bất thường…

Stock trader

Cổ phiếu là tài sản giao dịch chủ yếu của các stock trader. Công việc của một stock trader có phần đa dạng hơn, từ việc lựa chọn cổ phiếu yêu thích, phân tích và nhận định về xu hướng biến động của cổ phiếu bằng phương pháp kỹ thuật hoặc thông qua các báo cáo tài chính của công ty. Bên cạnh đó, trader còn tích cực theo dõi tin tức thị trường kinh tế chung, về ngành nghề kinh doanh của cổ phiếu mà mình đang giao dịch, tình hình kinh tế tại các cường quốc như Mỹ vì tất cả chúng đều phần nào ảnh hưởng đến biến động của cổ phiếu trong nước. Ngoài ra, các forex trader còn phải tìm hiểu thêm về các cổ phiếu sắp “lên sàn”, có tiềm năng phát triển nhanh trong thời gian ngắn để tận dụng cơ hội kiếm được nhiều tiền ở khoảng thời gian đầu khi mà cổ phiếu mới vừa IPO.

Crypto trader

Đối với một crypto trader thì ngoài việc phân tích xu hướng để ra quyết định giao dịch mua hay bán một loại tiền điện tử thì họ còn quan tâm nhiều đến dự án tiền mã hóa. Khi có thông tin về một dự án coin mới, sắp lên sàn hoặc vừa mới lên sàn, họ sẽ bắt đầu tìm hiểu về tiềm năng của dự án, khai thác thông tin từ những người có trong dự án để quyết định có nên tham gia vào dự án đó hay không. Còn đối với các loại coin mà trader đang giao dịch thì những thông tin về thị trường, về chính sách đối với tiền điện tử của các quốc gia, các tập đoàn lớn sẽ là những thông tin quan trọng mà các crypto trader luôn theo dõi.

Commodity trader

Các trader giao dịch hàng hóa sẽ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu về đặc tính của loại hàng hóa mà mình đã, đang và sẽ giao dịch, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa như thời tiết, nguồn tài nguyên, nhân lực, các yếu tổ kinh tế, chính trị… Giao dịch hàng hóa còn liên quan đến các loại chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn… các commodity trader phải tìm hiểu về tính chất biến động của những loại chứng khoán này và cả với tài sản cơ sở (là các loại hàng hóa). Nhìn chung, công việc của một trader giao dịch hàng hóa thông qua các chứng khoán phái sinh sẽ vất vả hơn, đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng hơn.

Cơ hội và thách thức của trader
Trader có phải là một nghề hay không?
Tùy thuộc vào mục đích và thời gian của mỗi người khi giao dịch trên thị trường thì trader có thể được xem là một nghề hoặc không.

Đối với những người tham gia vào các thị trường tài chính như chứng khoán hay forex chẳng hạn, họ chỉ dành những khoảng thời gian rảnh trong ngày, sau giờ làm việc chính để giao dịch với mong muốn kiếm thêm một khoản thu nhập nho nhỏ hoặc trải nghiệm một loại hình đầu tư, kinh doanh mới lạ với số vốn ít ỏi từ việc tiết kiệm, mức độ chấp nhận rủi ro ở mức thấp thì trading giống như một công việc part time, công việc tay trái, không phải là công việc sẽ mang lại thu nhập chính cho mình và gia đình. Trader không phải là một loại nghề nghiệp trong trường hợp này.

Ngược lại, một người dành toàn thời gian trong ngày để giao dịch, họ bỏ ra một số vốn lớn để đầu tư vào kiến thức, kỹ năng và xem trading là công việc mang về thu nhập chính, ngoài ra họ không có một công việc mang lại thu nhập ổn định nào khác. Những người như thế thường ban đầu sẽ mất rất nhiều thời gian, thất bại nhiều lần, về sau, kinh nghiệm và kiến thức mà họ tích lũy được sẽ dần giúp họ trở thành một trader chuyên nghiệp, và thu nhập từ công việc trading sẽ dần ổn định hơn. Lúc này, đối với họ, trader là một cái nghề thực sự.

Tuy nhiên, cho dù với bạn, trader có là cái nghề hay không thì một khi đã là trader, đã tham gia giao dịch thì bên cạnh những cơ hội mà trading mang lại thì công việc này cũng có nhiều thách thức mà bạn buộc phải chấp nhận.

Cơ hội và thách thức của “cái nghề” trader
Cơ hội của nghề trader

Cơ hội kiếm được nhiều tiền
Nếu là nhân viên văn phòng, thu nhập bình quân mỗi tháng của bạn có thể từ 10 – 20 triệu (tùy thuộc vào vị trí) nhưng là một trader, bạn có thể kiếm được nhiều hơn như thế gấp vài lần. Bởi, bản chất của một trader là tìm kiếm lợi nhuận dựa trên sự chênh lệch giá của tài sản mà tài sản trên các thị trường tài chính biến động liên tục mỗi giây, mỗi phút, các bạn luôn có cơ hội kiếm được nhiều tiền, cả trong ngắn hạn (thực hiện nhiều giao dịch, tích tiểu thành đại) lẫn dài hạn (nắm giữ tài sản lâu dài để ăn chênh lệch lớn). Đặc biệt là trên thị trường forex, trader có thể kiếm tiền kể cả khi thị trường đi xuống.

Trader là một nghề tự do, linh hoạt
Bạn không cần phải làm việc cho ai hết và có thể giao dịch bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc máy tính kết nối mạng internet. Bạn có thể làm việc tại nhà, ở quán cà phê hoặc ở bất kỳ đâu, có thể vừa giao dịch vừa chăm con, vừa nấu ăn, làm việc khác… Bạn không còn phải nghe những lời phàn nàn từ sếp, không cần phải ăn mặc lịch sự khi làm việc, bạn sẽ đạt được sự tự do, thoải mái với công việc trading, thậm chí nếu làm tốt, bạn sẽ đạt được sự tự do về tài chính.

Sự tự do, linh hoạt của nghề trader cũng chính là xu hướng mà giới trẻ hiện nay đang hướng đến.

Chi phí thấp
Chi phí mà chúng tôi muốn nói đến ở đây không phải là chi phí giao dịch mà là chi phí để các bạn trở thành một trader.

Với những ngành nghề hay công việc khác, chẳng hạn như bác sĩ, giáo viên, kế toán… các bạn sẽ phải tốn rất nhiều tiền cho chi phí ăn học, học nghề, học những cấp bậc cao hơn như cao học, thạc sĩ… thì sau này mới hy vọng có được cái nghề ổn định với mức lương tương đối cao. Còn để trở thành một trader, nếu không có đủ điều kiện để học đại học, không có bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ nào, các bạn vẫn có thể làm được. Bằng việc tham gia vào các khóa học đào tạo trader, các khóa học về tài chính, về thị trường… mà chi phí cho các khóa học này lại rẻ hơn rất nhiều so với những ngành nghề khác. Quan trọng nhất của công việc trading chính là ở kinh nghiệm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính bản thân trader.

Bên cạnh đó, các bạn có thể tự học thông qua những tài liệu hoàn toàn miễn phí từ các diễn đàn tài chính, các website về chứng khoán, forex…, học từ những người đi trước….

Tham gia ngay Lớp học forex miễn phí của kienthucforex.com để bước đầu trở thành một trader trên thị trường.

Chi phí thấp còn thể hiện ở khoản vốn đầu tư ban đầu. Trading không đòi hỏi các bạn phải bỏ ra một số vốn cao, thậm chí nhiều sàn forex còn hỗ trợ trader giao dịch trên các loại tài khoản ký quỹ thấp, chỉ từ vài chục đô.

Nâng cao kiến thức
Công việc trading đòi hỏi bạn phải tìm hiểu và nghiên cứu về thị trường, tài chính, nền kinh tế, chính trị, xã hội… của các quốc gia khác nhau, về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, về đặc tính của từng loại thị trường, từng loại tài sản… về lâu dài, một trader sẽ có một sự am hiểu nhất định về những kiến thức này mà chưa chắc khi ngồi trên ghế nhà trường hoặc các khóa học có thể mang lại cho bạn.

Kể cả sau này, khi không còn là một trader nữa thì những kiến thức này cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều vào những công việc khác, sẽ giúp bạn phát triển hơn khả năng tư duy, phán đoán và phản ứng linh hoạt.

Thách thức của nghề trader

Thách thức lớn nhất của nghề trader chính là rủi ro. Nghề trader không dành cho những ai thích sự an toàn, đã là một trader, bạn phải chấp nhận rủi ro dù thấp hay cao. Rủi ro thấp đi đôi với lợi nhuận thấp, rủi ro cao thì lợi nhuận cao.

Ở đây chúng ta không xét đến rủi ro theo nghĩa nguy hiểm của một số công việc như thợ điện, công việc có liên quan đến tiếp xúc hóa chất, hay một công việc có tính chất nguy hiểm khác mà là rủi ro ở vấn đề tài chính, tức là khả năng mất tiền.

Những công việc như giáo viên, nhân viên văn phòng… nếu làm không tốt, các bạn sẽ bị trừ lương chứ không làm cho bạn phải mất đi bất kỳ khoản tiền tiết kiệm, khoản vốn nào khác. Nhưng cái nghề trader thì khác, khi các bạn làm không tốt thì sẽ mất tiền đã đầu tư vào, thậm chí rất nhiều tiền.

Vậy thì, rủi ro của nghề trader xuất phát từ đâu, hay nói cách khác, nguyên nhân nào khiến cho trader mất tiền khi giao dịch?

Do phân tích, nhận định sai về xu hướng thị trường hoặc không có hệ thống giao dịch hiệu quả.
Thứ nhất, việc phân tích, nhận định sai về xu hướng thị trường xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: do bản thân trader không có kỹ năng phân tích tốt, chưa thật sự am hiểu về thị trường, am hiểu về công cụ phân tích… và do bản chất của các thị trường tài chính, chịu tác động từ quá nhiều các yếu tố khác nhau, biến động liên tục và nhiều khi nằm ngoài dự đoán của trader.

Thứ hai, không có hệ thống giao dịch hiệu quả cũng xuất phát từ nhiều lý do: không định hình được phong cách giao dịch, không lựa chọn được chiến lược giao dịch hiệu quả, không có kỹ năng quản lý vốn, quản lý rủi ro, quản lý cảm xúc, thời gian…

Với cả 2 nguyên nhân trên, bỏ qua rủi ro đến từ bản chất của thị trường thì rủi ro xuất phát từ chính trader là quan trọng nhất, là nguyên nhân chủ yếu khiến trader dễ mất tiền nhất.

Để là một trader thì việc đầu tư vào kiến thức là vô cùng quan trọng, các bạn phải xác định được tầm quan trọng của nó thì mới bỏ nhiều công sức, thời gian đầu tư, học hỏi. Và đây cũng là thách thức lớn nhất của nghề trader.

Bị lừa đảo từ broker hoặc dịch vụ ủy thác đầu tư
Vấn đề này cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại. Bước vào cái nghề trader, nếu không đủ tỉnh táo, các bạn sẽ rất dễ bị các nhà môi giới dỏm, các dịch vụ ủy thác đầu tư dỏm lừa đảo, dẫn đến mất tiền.

Nghề trader chưa được pháp luật bảo hộ
Hiện tại, các giao dịch trên thị trường forex, tiền điện tử vẫn chưa được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Chính vì thế, bản thân nó đã là một rủi ro. Khi gặp vấn đề tranh chấp giữa trader và môi giới hay các tổ chức ủy thác giao dịch, trader Việt sẽ không được pháp luật Việt Nam bảo hộ, sẽ có nguy cơ tự gánh chịu tổn thất.

Bị cám dỗ bởi đồng tiền
Thật ra không phải riêng trader mà bất kỳ ngành nghề nào cũng dễ bị cám dỗ bởi tiền, riêng trader sẽ càng rất dễ bị cám dỗ bởi đây là công việc có thể kiếm ra rất nhiều tiền. Sự cám dỗ thể hiện ở chỗ trader sẽ không thể dừng lại đúng lúc, đặc biệt khi thua lỗ quá nhiều thì tâm lý gỡ gạc, giống như cờ bạc sẽ xuất hiện, khiến trader giao dịch nhiều hơn trong trạng thái không kiểm soát được tâm lý, càng dễ mất nhiều tiền.

Phân biệt trader và investor
Cùng là những người tham gia vào các thị trường tài chính, cùng thực hiện các giao dịch mua, bán các loại tài sản nhưng trader và investor hoàn toàn khác nhau.

Trader có thời gian nắm giữ vị thế ngắn hơn so với investor, ngoại trừ position trader có thời gian nắm giữ vị thế khá lâu. Nếu trader tìm kiếm lợi nhuận dựa trên sự chênh lệch giá của tài sản lúc mở và đóng giao dịch thì các investor sẽ tập trung hơn vào sự gia tăng giá trị nội tại của tài sản. Trader có thể kiếm tiền ngay cả khi thị trường đi xuống nhưng investor chỉ kỳ vọng thị trường tăng trưởng đi lên.

So sánh một vài điểm khác biệt giữa trader và investor

Qua những đặc điểm trên, các bạn có thể xác định mình là một trader hay investor chưa?

Làm sao để trở thành một trader chuyên nghiệp?
Đây là mong muốn của rất nhiều trader khi bắt đầu gia nhập vào thị trường và đặc biệt là những người xem trader là một cái nghề, là nguồn thu nhập chính. Sự chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm trong giao dịch sẽ giúp họ thành công, nhanh chóng đạt đến mục tiêu và sự tự do tài chính.

Vậy thì, một trader mới làm thế nào để trở thành một trader chuyên nghiệp và cần những nguyên tắc nào để quá trình này ít rủi ro nhất?

5 nguyên tắc “trọng yếu” của một trader chuyên nghiệp

Thay đổi tư duy và ngưng kỳ vọng
Đây là nguyên tắc đầu tiên mà buộc một trader cần phải có. Nghề trader không hề đơn giản và rủi ro là một phần không thể tránh khỏi. Trước hết là ngưng kỳ vọng về lợi nhuận mà hãy học cách làm thế nào để hạn chế rủi ro thấp nhất có thể. Tiếp đến là thay đổi một vài tư duy về công việc trading:

Nghề trader không giúp bạn giàu nhanh một cách đơn giản
Không có công thức nào đảm bảo giao dịch thành công 100%
Bỏ thời gian, công sức, cả tiền bạc để nghiên cứu là điều tất yếu
Kiên trì và không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức.
Đầu tư vào kiến thức là sự đầu tư khôn ngoan
Bạn biết công việc trading rủi ro như thế nào rồi đó, và cách duy nhất để hạn chế được những rủi ro này chính là bạn phải giỏi, phải am hiểu, phải có kinh nghiệm. Đầu tư vào kiến thức là nguyên tắc “bất di bất dịch” của trader, cho dù bạn đang ở cấp độ nào.

Trader nên đầu tư vào những kiến thức nào?

Kỹ năng nghiên cứu
Bạn phải làm quen dần với việc nghiên cứu kinh tế, tài chính vì các yếu tố đó đều tác động đến giá cả trên thị trường. Việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc đọc hiểu các báo cáo tài chính, tài liệu, số liệu hay thống kế kinh tế, tin tức chính trị, xã hội… mà các bạn phải chuyên sâu vào từng vấn đề chi tiết hơn như: nghiên cứu về đặc tính của tài sản giao dịch, về loại thị trường, về một chiến lược, một công cụ phân tích, một mô hình…. và cả hệ thống giao dịch của những trader chuyên nghiệp.

Kỹ năng phân tích
Là khả năng nhận định của bạn về xu hướng biến động của giá sau khi đã nghiên cứu kỹ về các yếu tố tác động đến giá hay phân tích xu hướng dựa vào chính biểu hiện của giá trên biểu đồ… kết quả phân tích chính là cơ sở để bạn ra quyết định giao dịch, và thành công hay không cũng do khả năng phân tích của bạn có chính xác hay không.

Kỹ năng quản lý vốn, quản lý rủi ro
Việc nắm giữ hay chi tiêu tiền quá đơn giản nhưng nắm giữ như thế nào, chi tiêu ra sao để tối đa hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro mới là khó. Nếu không có chiến lược quản lý vốn hiệu quả, quản lý rủi ro tốt, tiền của bạn sẽ nhanh chóng bốc hơi chỉ sau vài giao dịch hoặc bạn sẽ cảm thấy đa số các giao dịch của mình là có lợi nhuận nhưng trong dài hạn lại thua lỗ.

Tham khảo một số chiến lược quản lý vốn, quản lý rủi ro sau:

Các sai lầm trong quản lý vốn
Quy tắc quản lý vốn 2% của các nhà đầu tư chuyên nghiệp
Công thức Kelly và cách sử dụng trong quản lý vốn
Bên cạnh việc đầu tư vào kiến thức thì các bạn phải luyện tập thường xuyên để biến những kiến thức đã học được trở thành bí quyết riêng của mình. Và hãy luôn nhớ rằng: đầu tư vào kiến thức chỉ giúp bạn tốt hơn mà thôi.

Xây dựng hệ thống giao dịch hiệu quả
Tại sao các pro trader luôn có hệ thống giao dịch rõ ràng và chi tiết, trong khi những trader mới giao dịch một cách không kế hoạch, không nguyên tắc, thích thì giao dịch, không thích thì nghỉ, vui thì trade khối lượng nhiều, buồn thì trade ít…? Và đó cũng là nguyên nhân thất bại của hơn 90% các trader khi mới bước chân vào thị trường.

Một hệ thống giao dịch hiệu quả sẽ giúp trader đi đúng đường, đúng hướng, không bị lạc lối và hoang mang, đồng thời có thể chủ động phản ứng kịp thời trước những biến động bất ngờ xảy ra.

Để có được một hệ thống giao dịch hiệu quả, trước hết trader phải định hình phong cách giao dịch và duy trì theo đuổi nó. Các bạn phải xác định được mục tiêu tài chính của mình là gì, thời gian dành cho trading nhiều hay ít và mức độ chấp nhận rủi ro cao hay thấp, từ đó mới xác định mình phù hợp với phong cách giao dịch nào. Sau khi định hình được phong cách thì lựa chọn chiến lược giao dịch phù hợp và lên kế hoạch giao dịch. Việc lên kế hoạch giao dịch càng rõ ràng, chi tiết bao nhiêu thì hiệu quả của việc giao dịch sẽ tăng lên bấy nhiêu. Và sau cùng, các bạn phải có chiến lược quản lý vốn, quản lý rủi ro hiệu quả.

Và một nguyên tắc không thể thiếu trong hệ thống giao dịch của tất cả các trader chuyên nghiệp, đó là “ĐỪNG BAO GIỜ QUÊN ĐẶT STOP LOSS”.

Luôn kỷ luật với bản thân
Bạn phải đặt ra một vài nguyên tắc cho công việc trading của mình và phải luôn tuân thủ chúng, chẳng hạn như luôn đặt stop loss, không giao dịch quá 1% số dư tài khoản/lệnh, ngừng giao dịch và xem xét lại hệ thống nếu có 3 giao dịch thua liên tiếp… Kỷ luật sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn và nhanh đạt được mục tiêu hơn.

Kiểm soát tâm lý và chịu được áp lực trước thua lỗ
Cảm xúc chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất bại cho trader. Cảm xúc rất dễ khiến bạn tự phá vỡ những nguyên tắc mà bạn đã đặt ra. Các trader thường sẽ rơi vào 2 trạng thái: tâm lý gỡ gạc, tất tay khi đã thua lỗ quá nhiều hoặc háo thắng, chủ quan khi liên tục có lợi nhuận, mà cả 2 trạng thái này đều cấm kỵ và ảnh hưởng đến công việc trading.

Trước những thua lỗ, các trader thường rất dễ bị áp lực và đưa đến những quyết định sai lầm. Để tránh điều này, các bạn nên để thua lỗ ở mức có thể chấp nhận được và đừng bao giờ đặt cược tất cả vào một lệnh duy nhất.

Các trader chuyên nghiệp luôn biết cách kiểm soát tốt cảm xúc, các bạn có thể thực hành điều này bằng cách bắt đầu với số vốn nhỏ, theo dõi cảm xúc của mình mỗi lúc thắng, thua và có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Kiên nhẫn – kiên trì
Là 2 nguyên tắc, đức tính không thể thiếu nếu muốn trở thành một trader chuyên nghiệp.

Tính kiên nhẫn cần được phát huy nhất là trong quá trình phân tích và giao dịch. Khi phân tích, nếu xuất hiện một tín hiệu giao dịch nào đó nhưng tín hiệu này lại không đảm bảo xác suất thành công cao, các bạn cần kiên nhẫn chờ đợi thêm tín hiệu khác, không nên nôn nóng vào lệnh ngay. Còn trong quá trình lệnh đang chạy, các trader thường sẽ mất kiên nhẫn khi mà giá đi ngược lại với dự đoán, họ nôn nóng, phân vân không biết có nên đóng lệnh hay không, chính xác là họ không tin tưởng vào hệ thống giao dịch của mình, cho nên phần lớn sẽ không kiên nhẫn mà đóng lệnh.

Còn tính kiên trì thì lại cần có trong tất cả các giai đoạn, nếu không kiên trì, các trader sẽ không thể trụ vững trên thị trường này, bạn sẽ nhanh chóng chán nản bỏ cuộc sau một vài thất bại ban đầu. Đối với nghề trader, kiên trì thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau: kiên trì nghiên cứu, học hỏi, luyện tập, kiên trì theo đuổi hệ thống giao dịch (nhưng không quá cứng nhắc, nếu nhận thấy hệ thống không còn hiệu quả thì nên xem xét thay đổi hoặc điều chỉnh) và kiên trì ngay cả khi thất bại.

Kết luận
Với những gì mà Vtmarkets đã chia sẻ ở trên, hy vọng các bạn đã hiểu rõ phần nào về cái nghề trader này, cũng như xem xét sự phù hợp của bản thân, giữa được và mất để quyết định có nên trở thành một trader hay không. Và nếu đã quyết định sẽ là một trader thì nên bắt đầu chặng đường trở thành một trader chuyên nghiệp, trong đó quan trọng nhất là sự nghiêm túc và kiên trì. Những nguyên tắc mà chúng tôi chia sẻ trong phần cuối không thể giúp bạn thành công 100%, nhưng phần nào sẽ giúp cho chặng đường trở thành pro trader của bạn hạn chế được rủi ro hơn.
Beyond Technical AnalysisChart PatternsTrend Analysis

Auch am:

Verbundene Veröffentlichungen

Haftungsausschluss