Trong phiên sáng 23/05, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường đồng, do nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi vấn đề nâng trần nợ vẫn chưa đi đến thỏa thuận chung giữa các nhà lãnh đạo. Dự báo giá sẽ tiếp tục dao động thận trọng cho tới khi loạt dữ liệu chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Mỹ, khu vực châu Âu và Anh được công bố vào tối nay.
Trong khi các cuộc đàm phán về trần nợ ở Mỹ chưa đạt được thỏa thuận vào thứ Hai, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng Hòa Kevin McCarthy đều tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán. Thị trường sẽ tiếp tục thận trọng đón chờ kết quả của cuộc đàm phán tiếp theo.
Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư phần nào được củng cố khi Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu đồng lớn thứ hai thế giới, ghi nhận hoạt động sản xuất mở rộng sau 12 tháng thu hẹp. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất tháng 4 đạt 50,8 điểm, cao hơn dự đoán ở mức 49,5. Trước đó, Nhật Bản đã công bố số liệu tăng trưởng GDP cho thấy nước này đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái và tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I năm nay.
Do đó, sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản có thể thúc đẩy kỳ vọng tiêu thụ đồng và hỗ trợ cho giá. Hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản phục hồi giúp củng cố sức mạnh của đồng Yên Nhật và hạn chế đà tăng của đồng USD. Sức mua đồng có thể được hỗ trợ khi chi phí giảm bớt.
Ngoài ra, dữ liệu doanh số bán nhà mới của Mỹ và loạt chỉ số PMI sản xuất tháng 4 của cả Mỹ, châu Âu và Anh cũng được công bố. Nếu dữ liệu cực hơn dự báo, hoạt động sản xuất khởi sắc tại các nền kinh tế hàng đầu có thể giúp giá đồng phục hồi. Trái lại, dữ liệu tiêu cực làm gia tăng nỗi lo suy thoái có thể khiến giá đồng tiếp tục suy yếu.