VietstockVietstock

Tiền trong tài khoản sẽ ra sao nếu sau ngày 1-1-2025 chưa xác thực sinh trắc học?

Trước giờ G, nhóm người cao tuổi đã quan tâm nhiều hơn đến việc xác thực sinh trắc học tài khoản ngân hàng.

Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày 1-1-2025, thời điểm bắt buộc các chủ tài khoản thanh toán, chủ thẻ phải hoàn tất việc xác thực sinh trắc học hoặc cập nhật, bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân đã hết hạn. Chính vì vậy, những ngày gần đây, lượng khách đến các ngân hàng xác thực sinh trắc học gia tăng mạnh. Phía các nhà băng cũng triển khai nhiều kênh hỗ trợ khách hàng hoàn tất xác thực sinh trắc học

Sẽ bị tạm dừng một số dịch vụ ngân hàng

Theo quy định, nếu không hoàn thành xác thực sinh trắc học, khách hàng sẽ bị tạm dừng một số dịch vụ ngân hàng như giao dịch thanh toán trực tuyến bằng thẻ, giao dịch nạp/chuyển khoản/rút tiền mặt bằng mã QR tại cây ATM, chuyển tiền vào ví điện tử...

Đáng chú ý, việc rút tiền tại cây ATM, hoặc rút tiền trực tiếp tại ngân hàng sẽ không áp dụng quy định xác thực sinh trắc học. Do đó, nếu chưa xác thực sinh trắc học thì người dân vẫn có thể rút tiền mặt tại quầy hoặc tại cây ATM với điều kiện giấy tờ tùy thân của khách hàng vẫn còn hiệu lực.

Tuy nhiên, nếu chưa cập nhật giấy tờ tùy thân mới thay thế cho giấy tờ tùy thân hết hiệu lực (CMND, CCCD, Hộ chiếu, thị thực), khách hàng sẽ bị tạm dừng giao dịch tại tất cả các kênh tại quầy, trực tuyến hay ATM.

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm tính pháp lý của giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản ngân hàng, cũng như nâng cao trách nhiệm của tổ chức phát hành thẻ, chủ tài khoản ngân hàng trong việc quản lý rủi ro và bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, việc xác thực sinh trắc học trong các giao dịch trực tuyến, thanh toán và chuyển tiền online được thực hiện trên môi trường internet là giải pháp công nghệ hiện đại. Đây là biện pháp nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cho khách hàng, đảm bảo xác nhận chính chủ trong giao dịch trực tuyến, hạn chế và ngăn ngừa hiệu quả các rủi ro phát sinh từ tội phạm công nghệ, lừa đảo và chiếm đoạt thông tin khách hàng, thông tin tài khoản.

Theo quy định của Thông tư 17 và Thông tư 18 của NHNN, từ ngày 1-1-2025, khách hàng không cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân mới sẽ bị tạm dừng hoặc hạn chế sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Để cập nhật sinh trắc học thành công, khách hàng chỉ cần chuẩn bị CCCD 12 số gắn chip còn hạn sử dụng hoặc thẻ căn cước được cấp từ 1-7 theo chuẩn mới của Bộ Công an và thiết bị di động có hỗ trợ NFC. Trường hợp thiết bị không hỗ trợ NFC, khách hàng cần đến các điểm giao dịch của ngân hàng mở tài khoản.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các hình thức giả mạo, lừa đảo. Ví dụ khách hàng không nên tự mua, sử dụng các thiết bị NFC cắm ngoài tại nhà để tránh rủi ro bảo mật thông tin cho thiết bị cá nhân.

Cả khách hàng và ngân hàng cùng giảm rủi ro

Tại ngân hàng SHB, ông Chu Lâm Thái, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học đạt khoảng 90% so với tổng số khách hàng cần thực hiện giao dịch. Điều này cho thấy sự quan tâm tích cực của khách hàng trong việc áp dụng và tuân thủ yêu cầu của NHNN.

Để có được kết quả trên, ngay khi có quy định từ NHNN, SHB đã thành lập tổ dự án 2345 thực hiện đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp giải pháp sinh trắc học một cách kỹ lưỡng và thực hiện thiết kế kiến trúc tổng thể trên tất cả các lớp ứng dụng, hệ thống liên quan, tránh bỏ sót.

"Sự phối hợp nhịp nhàng và phân chia trách nhiệm hợp lý giữa các bộ phận trong dự án là yếu tố then chốt đã giúp ngân hàng giải được bài toán thời gian gấp rút phải hoàn thành việc xác thực sinh trắc học", ông Thái cho hay.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay: Trong những năm qua, Bộ Công an đã triển khai Đề án 06 và cấp mã định danh điện tử hoặc căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho toàn bộ công dân. Điều này đã giúp ngành ngân hàng tự tin hơn trong việc xác định chính xác danh tính của khách hàng vay vốn.

Trước đây, dù khách hàng cung cấp đầy đủ giấy tờ, nhân viên ngân hàng vẫn khó có thể đảm bảo rằng giấy tờ tùy thân hoàn toàn khớp với người vay. Tuy nhiên, hiện nay, với mã định danh và CCCD gắn chip, việc xác định danh tính người vay có thể đạt độ chính xác 100%.

Khi danh tính của người vay được xác định chính xác, thì các hoạt động liên quan như thu hồi nợ, cấp thêm khoản vay hay xử lý các vấn đề về trả nợ, trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra, lịch sử tín dụng của mỗi khách hàng vay cũng sẽ được lưu trữ từ nay về sau, tạo nên nguồn dữ liệu quan trọng, ảnh hưởng đến ý thức và thái độ trả nợ của người vay.

"Bên cạnh đó, lịch sử tín dụng của bất kỳ một người nào đấy được lưu từ giờ trở về sau và cái đó là những thông tin rất là quan trọng. Điều này không chỉ hỗ trợ ngân hàng đánh giá thái độ và ý thức trả nợ của người đi vay mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng tín dụng. Việc xác thực định danh điện tử và CCCD gắn chip được coi là những lá chắn bảo mật, không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng mà còn tăng cường bảo mật, bảo đảm tính chính xác thông tin của khách hàng”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, xét ở góc độ cung cấp dịch vụ, xác thực sinh trắc học đơn giản chỉ là một giải pháp công nghệ, song mang lại ý nghĩa to lớn trên nhiều phương diện. Ví dụ khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, với lợi ích mang lại là tối đa và đặc biệt an toàn.

"Đối với ngân hàng, thực hiện thu thập thông tin khách hàng, thông tin sinh trắc học sẽ là cơ sở nền tảng không chỉ để phát triển dịch vụ thanh toán, chuyển tiền điện tử mà còn tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng phát triển ngân hàng số và ứng dụng trong phát triển các dịch vụ ngân hàng khác: như cho vay bằng phương thức điện tử và các dịch vụ ngân hàng khác có liên quan", ông Lệnh phân tích.

Khoản lương hưu của bố tôi được rút bằng cách nào?

Ông Nguyễn Tuấn, quận Tân Bình thắc mắc: "Bố tôi năm nay đã 86 tuổi và ông đang nhận lương hưu qua tài khoản ATM của ngân hàng Đông Á. Hiện nay, mỗi khi có lương hưu, ông đồng ý để tôi chuyển khoản tiền lương từ tài khoản của ông sang tài khoản của tôi.

Tuy nhiên, theo quy định của NHNN từ 1-1-2025, những khách hàng chưa xác thực sinh trắc học thì không thể chuyển khoản được dù chỉ là 1 đồng. Điều đáng nói là dù sức khỏe của bố tôi đã suy giảm, phải sử dụng ống truyền dẫn thức ăn, ống thở oxy, nhưng ông hoàn toàn tỉnh táo, song tôi không thể giúp bố xác thực sinh trắc học do gương mặt của bố đã thay đổi rất nhiều so với hình chụp CCCD gắn chip. Trong trường hợp này, kể từ đầu năm sau, khoản lương hưu của bố tôi sẽ được rút bằng cách nào?".

Giải đáp về thắc mắc trên, ông Nguyễn An, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á cho biết: Với trường hợp này, các con ruột của ông có thể cầm thẻ vật lý ra cây ATM để rút tiền lương hưu, thay vì chuyển khoản như trước đây. Bởi cây ATM chỉ cần có thẻ và nhập mật khẩu đúng là có thể rút được tiền.

"Nhưng nếu người con ruột mang thẻ ATM của cụ ông đến quầy giao dịch Đông Á để thực hiện việc rút tiền lương hưu thì thủ tục sẽ phức tạp hơn vì ngoài các giấy tờ cam kết, chúng tôi cần phải có giấy ủy quyền của chủ tài khoản nữa", ông An nói.

Đang ở nước ngoài phải làm sao?

Một trường hợp khác cũng bày tỏ lo lắng đó là với những người đang ở nước ngoài nhưng lại không mang theo CCCD gắn chip thì có cách nào để xác thực sinh trắc học hay không?

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cho biết: Với những người Việt Nam đang ở nước ngoài, nhưng không mang theo CCCD gắn chip và không thể về nước trước ngày 31-12, họ chỉ còn cách duy nhất là phải trở về Việt Nam để thực hiện xác thực sinh trắc học nhằm cập nhật dữ liệu và tránh gián đoạn các giao dịch thanh toán.

Trong khi đó, những người có mang theo CCCD gắn chip có thể dễ dàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học trực tuyến thông qua ứng dụng của ngân hàng.

THÙY LINH

Pháp luật TPHCM


Weitere News von Vietstock

Weitere Neuigkeiten